Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Khoa học Việt Nam: vẫn còn lệ thuộc nước ngoài

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ năm 2011-2020 nhấn mạnh công bố quốc tế như là một thước đo về thành quả của hoạt động nghiên cứu khoa học. Bài này điểm qua tình hình công bố quốc tế trong năm 2012, và so sánh với các nước trong vùng Đông Nam Á. Những dữ liệu mới nhất cho thấy năng suất khoa học của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nướctrong vùng, và cho đến nay, vẫn chưa tạo được một dấu ấn đáng kể. 


Khoa học và nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố định hình khả năng cạnh tranh và nền kinh tế tri thức. Bất cứ học thuyết xã hội nào cũng nhất trí một điều là nếu một quốc gia muốn trở thành một “diễn viên” trên trường quốc tế, nghiên cứu khoa học và phát triển (R&D) đóng một vai trò then chốt. Bắt chước người khác, bán sản phẩm và công nghệ của người khác có thể đem lại vài hiệu quả ngắn hạn, nhưng không thể là nền móng cho phát triển về lâu dài. Singapore, Đài Loan, và Hàn Quốc không thể phát triển như ngày nay nếu không có chiến lược đầu tư lâu dài cho nghiên cứu khoa học. Bài học từ các nước này là khả năng sáng tạo trong khoa học và công nghệ là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của một nước.

Do đó, không ngẫu nhiên mà các nước phát triển đặt nặng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như là một ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế. Chính phủ nước ta cũng xác định nghiên cứu và phát triển khoa học là một định hướng để tiến đến một nền kinh tế tri thức. Mỗi năm, Chính phủ đầu tư khoảng 2% ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học. Con số này không nhỏ trong bối cảnh kinh tế nước ta còn tồn tại nhiều khó khăn. Do đó, cần phải có một đánh giá tổng quan về hiệu suất của chi tiêu cho khoa học.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ 2011-2020 có một điểm mới đáng chú ý: xem công bố quốc tế là một chỉ tiêu để đánh giá thành quả của nghiên cứu khoa học. Đây là một chuẩn mực phù hợp với chuẩn mực của cộng đồng khoa học quốc tế. Thật vậy, “sản phẩm tri thức và sáng tạo thường được thể hiện qua những công trình nghiên cứu được công bố trên các tập san khoa học quốc tế. Số lượng bài báo khoa học trên các tập san này được xem như là một thước đo về mức độ hoạt động khoa học. Nhưng lượng khác với chất, một nước (như China chẳng hạn) công bố rất nhiều bài báo khoa học, nhưng chất lượng khoa học thường rất thấp. Do đó, nên cạnh lượng, chúng ta cũng cần quan tâm đến chất.

Lượng

Trong năm 2012 (tính đến đầu tháng 12) các nhà khoa học Việt Nam và đồng nghiệp công bố được 1335 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này của năm 2011 là 1324. Như vậy, số ấn phẩm khoa học của Việt Nam có gia tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng có lẽ còn khiêm tốn.

Trong cùng thời gian, các nhà khoa học Thái Lan công bố được 4624 bài, cao hơn Việt Nam 3.4 lần. Số ấn phẩm khoa học của Malaysia trên các tập san quốc tế năm 2012 là 6158, cao hơn Thái Lan 33% và cao hơn Việt Nam gần 5 lần, và đang vượt lên xấp xỉ tầm Singapore (8193 bài). Tuy nhiên, số ấn phẩm khoa học của Việt Nam cao hơn Indonesia và Philippines.

Phân tích chi tiết lĩnh vực nghiên cứu (Bảng 1) cho thấy một xu hướng đáng chú ý. Tính chung, 13% những công trình nghiên cứu công bố quốc tế từ Việt Nam là thuộc ngành toán. Ngành vật lí cũng có tỉ trọng 13%. Đây là một biến chuyển đáng chú ý, vì trong thập niên 1980-89, có đến 33% bài báo khoa học của Việt Nam là thuộc lĩnh vực toán học, và hơn 25% là thuộc lĩnh vực vật lí. Ngày nay, nghiên cứu về y sinh học đứng đầu bảng, chiếm 30% tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam (trong thập niên 1980-1990, số ấn phẩm khoa học ngành y sinh học chỉ chiếm 7% tổng số). Riêng ngành khoa học xã hội của Việt Nam còn quá khiêm tốn, chỉ đóng góp ~3% tổng số “sản lượng” khoa học của Việt Nam. 


Bảng 1: Tỉ trọng (%) bài báo khoa học phân chia theo một số lĩnh vực nghiên cứu chính

nh vực 
Việt Nam
Thái Lan
Malaysia
Indonesia
Philippines
Singapore
Tổng số bài báo
1335
4624
6158
1020
694
8193
Phân chia theo ngành (%)
Toán
13.0
3.7
3.4
1.2
3.0
4.2
Vật lí
13.0
6.4
8.7
6.6
2.6
17.6
Y sinh
30.4
46.7
28.2
28.3
45.2
22.6
Kĩ thuật
16.6
14.5
36.5
18.2
5.0
41.1
KHXH
2.8
2.2
3.4
2.1
9.4
5.8
Chú thích: “Kĩ thuật” bao gồm kĩ thuật, khoa học máy tính, khoa học vật liệu. KHXH (khoa học xã hội) bao gồm kinh tế học, xã hội học, luật, và giáo dục. 

Những nước trong vùng có nền kinh tế phát triển nhanh có số lượng ấn phẩm về kĩ thuật khá cao (36% đối với Malaysia và 41% đối với Singapore). Trong khi đó, các ngành kĩ thuật của Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 17% tổng số ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế.

Chất

Như đề cập trên, đánh giá chất lượng nghiên cứu ở qui mô quốc gia thường dựa vào các chỉ số như chỉ số trích dẫn và chỉ số H. Chỉ số trích dẫn càng cao là tín hiệu cho thấy nghiên cứu có chất lượng cao. Chỉ số H phản ảnh tác động hay mức độ ảnh hưởng của nghiên cứu.

Bảng 2 trình bày chỉ số trích dẫn trung bình cho những bài báo khoa học của Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, và Singapore. Tính trung bình, mỗi bài báo của Việt Nam công bố vào năm 2009 được trích dẫn 5.12 lần sau 3 năm công bố. Chỉ số này cao hơn Malaysia (4.83), nhưng thấp hơn Thái Lan (6.56) và Singapore (9.36).

Tuy nhiên, chỉ số trích dẫn rất khác nhau giữa các ngành khoa học và giữa các quốc gia trong mỗi ngành khoa học. Ngoại trừ ngành y sinh học (Việt Nam có chỉ số trích dẫn cao hơn Malaysia), tất cả các ngành còn lại nghiên cứu của Việt Nam đều có chỉ số trích dẫn thấp nhất so với các nước vừa kể. Ngành toán, vật lí, và kĩ thuật của Việt Nam có chỉ số trích dẫn thấp nhất so với các nước Thái Lan, Malaysia, và Singapore. Tầm ảnh hưởng của nghiên cứu, qua phản ảnh bởi chỉ số H, của Việt Nam cũng thấp nhất so với các nước vừa kể. 


Bảng 2: Chỉ số H và chỉ số trích dẫn

Lĩnh vực  
Việt Nam
Thái Lan
Malaysia
Singapore
Chỉ số trích dẫn




Tất cả các ngành   
5.12
6.56
4.83
9.36
Toán
2.81
3.24
5.69
4.78
Vật lí
4.77
5.92
6.05
8.64
Y sinh
7.25
8.42
5.04
10.75
Kĩ thuật
4.98
5.83
6.12
8.52
KHXH
4.08
4.25
4.08
4.29
Chỉ số H




Tất cả các ngành   
25
43
39
74
Toán
10
11
15
17
Vật lí
11
19
19
38
Y sinh
19
39
23
50
Kĩ thuật
12
27
33
51
KHXH
7
9
11
18
Ghi chú: chỉ tính những công trình nghiên cứu công bố vào năm 2009. Thời gian trích dẫn tính từ 2009 đến 2012. Chỉ số H phản ảnh số lần trích dẫn và số bài báo được trích dẩn. Chẳng hạn như chỉ số H của Việt Nam (25) có nghĩa là Việt Nam có 25 công trình nghiên cứu với mỗi công trình được trích dẫn 25 lần trở nên trong thời gian 2009-2012. 

Lệ thuộc nước ngoài 

Những con số trên không nói lên một thực tế là phần lớn những bài báo nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là do hợp tác quốc tế. So với các nước Thái Lan, Malaysia, và Philippines, Việt Nam có tỉ lệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học cao nhất. Khoảng 80% các công trình khoa học là do hợp tác với nước ngoài. Tính chung, tỉ lệ hợp tác quốc tế ở Thái Lan là khoảng 50%, Malaysia (40%), và Philippines (70%). Tuy nhiên, một xu hướng chung là tỉ lệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam giảm trong những năm gần đây, có lẽ phản ảnh năng lực nội địa đang tăng trưởng. 

Phân tích theo ngành cho thấy ngành y sinh học của Việt Nam có tỉ lệ hợp tác cao nhất (90%). Tỉ lệ hợp tác quốc tế trong ngành toán của Việt Nam là khoảng 50%. Những phân tích này cho thấy ngành toán của Việt Nam có vẻ có “nội lực” tốt hơn so với ngành y. 

Nước có hợp tác nghiên cứu khoa học với Việt Nam là Nhật. Số bài báo có tác giả Nhật chiếm gần 13% tổng số bài báo của Việt Nam. Những nước có hợp tác nhiều khác là Mĩ (11%), Pháp (10%), Hàn Quốc (7.8%), Đức (6.7%), Anh (6.4%), và Úc (6.2%). 

Xếp hạng 

Trong số 236 quốc gia được xếp hạng về hoạt động nghiên cứu khoa học, Việt Nam đứng hạng 68 về số lượng ấn phẩm khoa học, cao hơn Philippines (70), nhưng thấp hơn Thái Lan (42), Malaysia (43), và Singapore (32). Tuy nhiên, nếu dựa vào chỉ số H thì thứ hạng của VN là 62, thấp nhất so với những nước vừa được đề cập. Kết quả này cho thấy nghiên cứu khoa học của Việt Nam có tầm ảnh hưởng thấp nhất so với các nước trong vùng. 

Mặc dù số ấn phẩm y sinh học chiếm phần đa số trong tổng số ấn phẩm khoa học của Việt Nam, nhưng thứ hạng thì thấp (70 trên 224 quốc gia). Ngành toán của Việt Nam mạnh về “nội lực” nhưng được xếp hạng 56 (trên tổng số 183 quốc gia), thấp hơn Thái Lan (53), Malaysia (49), và Singapore (35), nhưng cao hơn Indonesia (75) và Philippines (82). 

Năng suất khoa học vừa trình bày trên cần phải đặt trong bối cảnh lực lượng khoa học của Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam hiện đang có trên 9500 giáo sư và phó giáo sư, cùng với trên 2 vạn tiến sĩ. Nếu mỗi giáo sư / phó giáo sư hay tiến sĩ công bố được 1 nghiên cứu trong vòng 2 năm (một năng suất rất khiêm tốn), chúng ta kì vọng rằng mỗi năm Việt Nam có thể đóng góp 15,000 bài báo khoa học cho thế giới (tức cao hơn Thái Lan với khoảng 2000 giáo sư và giảng viên). Nhưng trong thực tế, Việt Nam chỉ công bố được khoảng 1300 bài, tức chưa đầy 10% của con số tiềm năng. Số liệu từ ISI (tính trong vòng 5 năm qua) cho thấy số tác giả Việt Nam có công bố quốc tế thường xuyên (ít nhất 2 bài) chỉ xấp xỉ 1100 người. Dĩ nhiên, trong số này không phải 100% là tiến sĩ. Nhưng nếu giả dụ rằng 100% là tiến sĩ thì con số 1100 này so với 9 vạn giáo sư và 2 vạn tiến sĩ vẫn cho thấy rất nhiều nhà khoa học Việt Nam không tham gia công bố quốc tế. 

Mức độ hợp tác nghiên cứu khoa học của Việt Nam là một vấn đề đáng quan tâm. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học là một xu hướng hiện đại, và cần được khuyến khích, vì qua hợp tác, nhà khoa học có cơ hội để học hỏi và làm quen với công nghệ tiên tiến. Nhưng hợp tác theo hình thức bình đẳng khác với hợp tác theo kiểu chỉ làm “gia công” cho nước ngoài. Rất khó đánh giá mô hình hợp tác khoa học của Việt Nam theo hình thức nào, nhưng nhìn qua thứ tự và vai trò của tác giả, có thể nói rằng phần lớn hợp tác khoa học của Việt Nam, nhất là trong ngành y, là theo mô hình làm công cho các nhà khoa học nước ngoài. Ở những nước có nền khoa học tiên tiến, tỉ lệ hợp tác quốc tế dao động trong khoảng 40-50%. Ở những nước có nền khoa học kém tiên tiến, tỉ lệ hợp tác quốc tế thường cao hơn 60%. Theo đánh giá của các chuyên gia đánh giá khoa học, tỉ lệ hợp tác 80% trở lên được xem là “lệ thuộc”. Do đó, có thể nói rằng khoa học Việt Nam nói chung đang ở trong tình trạng lệ thuộc nước ngoài. 

Tóm lại, những dữ liệu về hoạt động khoa học của Việt Nam trong năm qua chưa tạo nên một dấu ấn nào đáng chú ý. Số công trình nghiên cứu công bố trên các tập san khoa học quốc tế có tăng, nhưng mức độ tăng trưởng vẫn còn thấp. Chiến lược Khoa học Công nghệ 2011-2020 của Chính phủ đặt mục tiêu tăng số lượng công bố quốc tế 15-20% mỗi năm. Thật ra, hiện nay, tỉ lệ tăng trưởng số bài báo khoa học có năm cũng đã đạt 15-20%, nhưng không đều. Với tỉ lệ tăng trưởng như Chiến lược hoạch định, đến năm 2021 số công bố quốc tế của ta chỉ mới bằng Thái Lan năm 2011, và 2023 chúng ta cũng chỉ bằng Malaysia năm 2011. Nếu không có mục tiêu cao hơn, chúng ta sẽ mãi mãi thấp kém hơn Thái Lan và Mã Lai cả về số lượng và chất lượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét