Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Mở cửa phóng khoáng: giáo dục

Sáng nay, nhân dịp tiếp tục làm sạch máy tính cũ thì gặp bài này: Mở cửa phóng khoáng. Bài viết phản ánh cái nhìn về nền giáo dục VN của một phóng viên nổi tiếng người Mĩ. Bài này do tôi dịch từ một bài báo trên tờ FEER hơn chục năm trước đây. Ấy thế mà đọc lại vẫn thấy tính thời sự của nó. Tôi post bài này để chia sẻ cùng các bạn.
Mở cửa phóng khoáng (*)

Để trang bị cho thanh niên những kĩ năng cần thiết cho việc phát triển kinh tế, Việt Nam cho phép các cơ sở giáo dục nước ngoài vào đầu tư. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản vẫn nắm chặt dây cương.
Cũng như bất cứ nhà khoa học nào thiết tha muốn nhìn thấy quê hương mình vươn lên, bà Ngo Kieu Oanh, 52 tuổi , một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, đánh giá cao tư duy sáng tạo của các đồng nghiệp trẻ tuổi. Bà tin rằng tiềm năng sáng tạo của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang bị hệ thống giáo dục đại học công lập cũ kĩ kiềm chế. Một hệ thống đại học mà trong đó giáo sư chỉ giảng dạy những bài học lỗi thời, và được trả bằng một đồng lương quá thấp, nên họ phải dạy thêm ngoài giờ để kiếm sống. Bà Oanh cho biết, ngay cả làm việc chung với các nhà nghiên cứu mới tốt nghiệp có khả năng nhất, bà vẫn “phải dạy họ từ căn bản.”

Cố nhiên, bà Oanh khao khát một cái gì tốt hơn cho cô con gái 18 tuổi của bà. Cô có nguyện vọng muốn trở thành một chuyên viên thiết kế website để đóng góp một phần vào việc phát triển công nghệ cao ở Việt nam. Thế nhưng bà Oanh sẽ không gửi con mình đi du học, vì bà hằng ưu tư là ái nữ của bà sẽ nhớ nhà, hay mất liên lạc với văn hóa Việt Nam. Đó là lí do tại sao bà và cô ái nữ dự phiên họp phổ biến thông tin do Trường Đại học RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức. RMIT là một trường đại học nước ngoài với 100% vốn đầu tư từ ngoại quốc mở cơ sở đầu tiên ở Việt Nam. RMIT có tham vọng biến đổi hệ thống giáo dục cũ kĩ của Việt Nam, và qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Sau khi xem xét thông tin và cách dạy của RMIT, bà Oanh và cô ái nữ quyết định ngay một chương trình học cử nhân về khoa học ứng dụng, chuyên về công nghệ thông tin và đa truyền thông, với tổng chi phí là 7900 USD.

Ở một góc độ lớn hơn, RMIT đang đánh một canh bạc vào thị trường giáo dục đang phát triển ở Việt Nam, mà trong đó bà Oanh là một trong những đối tượng. Những phụ huynh như bà muốn trang bị cho con em mình kiến thức và kĩ năng cần thiết để gây dựng sự nghiệp trong một xã hội hiện đại đầy cạnh tranh. Ông Michael Mann, Chủ tịch RMIT ở Việt Nam, và cũng là cựu đại sứ Úc ở Việt Nam, nhận thức được thị trường giáo dục ở đây lớn hơn nhiều so với con số thu nhập trung bình 430 USD của cả nước. Nghiên cứu thị trường cho thấy giáo dục là một ưu tiên hàng đầu cho giới nhà giàu ở các thành phố, những người có một mức độ thu nhập dư thừa mà họ sẵn sàng đầu tư vào giáo dục cho con em họ. Những gia đình giàu có như thế rất e ngại với tỉ lệ không có việc làm khá cao trong số sinh viên tốt nghiệp đại học ở trong nước . Nhưng với mức học phí khá đắt đỏ ở ngoại quốc và tình trạng khan hiếm học bổng đang làm cho giới phụ huynh Việt Nam tuyệt vọng.

Nhưng đây không phải là một câu chuyện tiêu biểu của một quốc gia sẵn sàng tiếp nhận giáo dục từ nước ngoài, mà là một câu chuyện về một chế độ cộng sản bị nhu cầu kinh tế đẩy vào thế kẹt, đành miễn cưỡng mở cửa và đại trùng tu hệ thống đại học cổ lỗ sĩ. Đối với lãnh đạo Việt Nam, mối lo ngại căn bản là bất cứ một nỗ lực nào nhằm khuyến khích những nề nếp suy nghĩ mới đều có thể dẫn đến yêu cầu đòi hỏi thay đổi chế độ chính trị. Thành ra, một mặt Việt Nam tháo dỡ hết hệ thống kế hoạch trung ương, xóa bỏ hợp tác xã, và tư hữu hóa hệ thống y tế; thì mặt khác, Việt Nam vẫn muốn các trường đại học quốc gia nằm trong vòng cương toả.

Hành vi trói buộc này có thể bóp nghẹt tham vọng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam muốn tiến lên và ao ước muốn thành lập một nền kinh tế tri thức, chứ không muốn đơn thuần là một nguồn cung cấp lực lượng lao động rẻ mạt. Tham vọng này chỉ có thể thực hiện được với một hệ thống giáo dục hiện đại. Ông Thomas Vallely, thuộc Phân khoa Chính phủ học John F. Kennedy, Đại học Harvard, nhận xét: “Tôi thấy [giới lãnh đạo Việt Nam] đang ý thức được là giáo dục phải đi trước rồi đầu tư trực tiếp mới theo sau.”

Vì thế, Đảng hân hoan chào đón các dự án đầu tư giáo dục từ nước ngoài. Nhưng việc nỗ lực cải tiến giáo dục này tương đối mong manh và bất trắc. Các nhà đầu tư giáo dục ngoại quốc hiểu cái thông điệp ngầm của các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam: Xin cung cấp cho chúng tôi những kĩ năng thực tiễn về tin học, kinh tế, thương mại, và ngoại ngữ mà chúng tôi cần để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hóa và thu hút đầu tư, nhưng hãy tránh xa những bộ môn lịch sử, văn học, nhân chủng học, hay bất cứ bộ môn khoa học xã hội nào mà có thể khuyến kích quá nhiều nghi ngờ trong những bộ óc còn non trẻ dễ bị dao động.

Một số quan chức trong chính quyền đánh giá cao các nỗ lực của những trường đại học nước ngoài như RMIT qua phương pháp giảng dạy thực tiễn, bằng ví dụ. Bằng cách tập trung vào các kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, thảo luận trong lớp thay vì những bài giảng giáo khoa khô khan, khuyến khích học trực tuyến (online learning), và trau dồi tiếng Anh, các trường như RMIT đang cung cấp một mô hình rất cần thiết cho Việt Nam. Ông Truong Song Duc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chính Minh, nói: “Các trường đại học Việt Nam sẽ phải tự mình cải tiến để cạnh tranh với các trường nước ngoài.”

Về phần các trường đại học nước ngoài họ cũng vui lòng tập trung vào các bộ môn thương mại và công nghệ thông tin, bởi vì thị trường hiện tại đang nằm ở đó. Hàng năm, có đến 1.4 triệu học sinh trung học phải cạnh tranh nhau để vào được 168 ngàn chỗ trong các trường đại học công lập địa phương, và khủng hoảng thiếu về giáo dục quả là hiển nhiên. Một số trường khác đang có dự định nhảy vào thị trường Việt Nam, trong số này có Trường Đại học Công nghệ Swinburne của Úc. Trường này đang đầu tư vào một chi nhánh thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Một tổ hợp gồm các trường đại học công lập ở Pháp đang hợp tác với một nhóm nhà đầu tư người Việt hải ngoại để mở một trường đại học tư ở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2004.

Việt Nam cũng cho phép các chương trình hợp tác giáo dục, mà trong đó, sinh viên trước hết học tại các trường đại học địa phương, và sau đó sẽ chuyển sang hoàn tất chương trình học ở các trường ngoại quốc. Vấn đề nổi cộm trong việc du học nước ngoài là các bậc phụ huynh lo ngại cái cảnh đem con bỏ chợ. Hiện nay, có khoảng 15 ngàn sinh viên Việt Nam du học, và những lời đồn đại về việc sao lãng học tập đã bắt đầu về tới bên Việt Nam. (Kể từ tháng 7, 2001 đến tháng 3, 2002, Úc đã huỷ 151 visa học sinh Việt Nam, vì những học sinh này không đến lớp học). Do đó, qua việc cung cấp cho học sinh một môi trường quen thuộc trong hai năm đầu đại học ở trong nước, các trường đại học cho rằng như vậy là đã trang bị cho sinh viên tư thế sẵn sàng đối mặt với các thử thách về tâm lí và tri thức khi ra nước ngoài.

Ít ra đó là một thông điệp sắc sảo của Ông Nguyen Ngọc My, một doanh nhân có thương vụ thường xuyên giữa Úc và Việt Nam, ông đang hỗ trợ việc thành lập một chi nhánh cho Trường Đại học Swinburne ở Bà Rịa – Vũng tàu. Ông thuật lại, “Tôi biết khoảng chục thanh niên ở Sydney và Melbourne. Cha mẹ chúng nhờ tôi chăm sóc. Nhưng làm sao tôi chăm sóc chúng được? Tôi cố gắng gọi điện thoại cho chúng và khuyên, ‘Cố gắng học hành đấy nhé, đừng có mà đi nhảy đầm,’ chúng thì ‘vâng, dạ’ cho qua chuyện. Thật là khó!

Đối với một số quan chức Việt Nam gửi con em ra nước ngoài học, vấn đề trở nên khó hơn, là phải tránh lời dị nghị của quần chúng bất bình. Họ chất vấn là làm sao mà các quan chức này lại có thể trang trải cho con cái kiểu học thời thượng như vậy được với một đồng lương nhà nước khiêm tốn như hiện nay. Mới đây, giới truyền thông trong nước tố cáo một sĩ quan công an đã nhận tiền hối lộ từ một tay trùm băng đảng xã hội đen ở miền Nam để gửi con du học ở Úc. Chính phủ Canada từ chối 40% đơn xin học của học sinh Việt Nam, phần lớn vì những mờ ám hay gian lận trong các chứng từ tài chính. Một viên chức tham vấn về giáo dục Canada nói, “Những phụ huynh này có thể họ có tiền thực, nhưng họ không chứng minh được, hay không muốn chứng minh [nguồn thu nhập của mình].
Mặc dù Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển Á châu (Asian Development Bank) cho RMIT vay 15 triệu USD (trong tổng số 36 triệu cho công trình đầu tư), một số chuyên gia giáo dục cho rằng một việc cấp bách hơn là giúp đỡ Việt Nam để họ tự cải cách hệ thống giáo dục đại học. Mục tiêu tối hậu là nâng đỡ và nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên, chứ không chỉ tập trung vào một thiểu số giàu có. Ông Vallely nói, “Nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia hiện đại, Việt Nam cần một hệ thống đại học hiện đại.”

Ông Valleley khuyên Việt Nam theo con đường mà Trung Quốc đã đi. Trung Quốc từng chi ra hàng trăm triệu USD để nâng cấp hai trường đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa (Tsinghua), và đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế. Việt Nam, dù bực tức nhưng vẫn có ấn tượng về những thành tựu kinh tế của nước láng giềng, nên hẳn là sẵn sàng chịu lắng nghe. Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm và các quan chức cao cấp gặp gỡ các nhà giáo dục hàng đầu từ các trường đại học Harvard, MIT, và Princeton, để nhờ họ cố vấn thiết lập những trung tâm khoa học công nghệ xuất sắc ("centres of excellence" in science and technology) tại một hay hai trường đại học hàng đầu của Việt Nam. Một số dự án tương tự cũng đã được thực thi ở các quốc gia như Chile, Mexico và Ba Tây, và hiệu quả đã thấy rõ: gia tăng các công trình nghiên cứu khoa học, và giảm đi tình trạng chảy máu chất xám.

Trong trường hợp Việt Nam, vấn đề không chỉ ở tình trạng chảy máu chất xám, mà còn ở vấn đề không tận dụng được nguồn chất xám [du học] đã trở về nước. Theo giới khoa bảng địa phương, những sáng kiến mới thường bị nghi ngờ và ganh tị. Đề bạt chức vụ thường dành cho những người an phận thủ thường. Một số nhà khoa bảng Việt Nam cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang đang siết thêm dây cương, bằng cách thiết lập các chi bộ Đảng trong ngành khoa học và giáo dục, chuyển các chi bộ này dần từ vai trò lãnh đạo sang quản lí vi mô các hoạt động khoa học như thay đổi chương trình giảng dạy và xuất bản. Tháng Sáu năm nay, Thủ tướng chính phủ vừa ra chỉ thị đẩy mạnh việc giảng dạy lí thuyết Mác-Lênin cùng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tất cả các trường đại học, kể cả các trường ngoại quốc. (RMIT không dạy những môn này).

Tuy vậy, một điều ngạc nhiên là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, một trường danh tiếng nhất trong nước, lại khai trương một chương trình thí điểm dạy môn Khoa học Chính trị, kể cả nghiên cứu về chính trị Mĩ! Và một số nhà trí thức, người Việt lẫn người ngoại quốc, vẫn lạc quan cho rằng trong thập niên tới những nhà khoa bảng trẻ về nước [sau khi du học ở các nước Tây phương] sẽ làm chuyển biến hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Nhà nhân chủng học người Mĩ, Charles Keyes, coi trường hợp cải cách giáo dục đại học ở Thái Lan như là một bằng chứng cho thấy Việt Nam cũng sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông nói, “Điều tất yếu sẽ xảy ra là xã hội sẽ có một quần chúng nghiêm túc gồm những con người mới với nề nếp suy nghĩ mới”.

Nói cho cùng, nếu Việt Nam theo đuổi chính sách kềm kẹp các bộ môn khoa học xã hội trong khi khuyến khích các bộ môn thương mại và công nghệ thông tin có thể sẽ gây ra phản tác dụng. Một chính sách lưỡng phân như thế không phù hợp với một nền kinh tế toàn cầu hóa, mà trong đó các kĩ năng phân tích đều cần thiết cho mọi ngành nghề. Trừ phi hiện đại hóa hệ thống giáo dục và tiến ra khỏi những lằn ranh cứng nhắc, Việt Nam sẽ phải chịu một số phận bi đát là không nuôi dưỡng được tiềm năng sáng tạo cần thiết để cạnh tranh trên trường quốc tế. Và, những ước mơ của phụ huynh như bà Oanh sẽ bị tiêu tan.

(*) Bài này được dịch từ bài viết “Open minds, open doors” của Margot Cohen, đăng trên Tạp chí Kinh tế Viễn đông (Far Eastern Economic Review), số ra Ngày 1 Tháng 8 năm 2002. Người dịch: Nguyễn Văn Tuấn.

Lời bàn của người dịch

Người Tây phương khi đến thăm Việt Nam đều ghi nhận một điều rằng Việt Nam là một nước có một nguồn nội lực rất lớn chưa được khai thác: con người Việt Nam. Nếu được khai thác, Seth Mydans, kí giả của tờ New York Times, cho rằng Việt Nam sẽ làm cho các nước Á châu khác phải tủi thẹn. Thực vậy, cái đức tính ham học của người Việt Nam gần như là một văn hóa, một đức tính rất đáng tự hào. Ở ngoại quốc, cái đức tính này đã được thể hiện một cách hùng hồn: chỉ sau 25 năm định cư, số lượng người Việt ở nước ngoài có trình độ đại học hoặc tương đương đã lên đến con số 300 ngàn (so với con số 1 triệu ở trong nước). Nhiều người ở trong nước xưa kia chỉ là những học sinh trung bình, thậm chí kém, nhưng khi ra nước ngoài, đã đạt được nhiều thành tích ngoạn mục trong các sân trường đại học hàng đầu ở Mĩ và các nước Tây phương khác. Điều này cho thấy học sinh Việt Nam ta có tiềm năng rất lớn, và nếu có cơ hội và môi trường thuận tiện, họ sẽ trở thành một đội ngũ chuyên viên có thể đóng góp quan trọng cho đất nước.

Tuy nhiên, ở trong nước, có thể nói thanh niên gặp trở ngại trên nhiều mặt, trong đó có vấn đề thiếu cơ hội và thiếu trường lớp. Nhiều thanh niên mất cơ hội theo học đại học vì không trúng cử (chứ không hẳn là học dở) trong các kì thi tuyển vào đại học, một cơ chế dùng để sàng lọc và hạn chế số người vào đại học do thiếu trường lớp và cơ sở vật chất. Hiện nay trong cả nước có 146 trường đại học và cao đẳng; trong đó, có 15 trường dân lập (do tư nhân quản lí), và ba trường bán công. Số lượng này hầu như không thay đổi trong thời gian gần đây.

Trong khi số lượng trường lớp bất biến, thì số lượng học sinh trung học, cứ 4 hay 5 năm, lại tăng gấp đôi. Hai khuynh hướng đối nghịch này sản sinh ra tình trạng quá tải. Các đại học không có khả năng nhận thêm sinh viên, và bắt buộc phải áp dụng những cơ chế thi cử khắt khe để hạn chế số lượng sinh viên. Hàng năm, các trường đại học chính qui ở Việt Nam chỉ có khả năng nhận vào khoảng 10% trong tổng số học sinh dự thi. Số lượng đi du học tự túc hay bằng học bổng chẳng là bao. Như vậy, có đến 90% học sinh có nguyện vọng theo đuổi đại học, nhưng lại không có điều kiện thực hiện ước mơ căn bản đó! Trong số 90% này, chắc chắn có nhiều học sinh giỏi. Có thể tin rằng nếu các học sinh này có cơ hội theo đuổi học tập như các em cùng lứa tuổi ở ngoại quốc, họ sẽ là những nhà khoa học, những nhà giáo tài giỏi trong tương lai.

Cộng với vấn đề thiếu thốn cơ sở đào tạo là vấn đề chất lượng đào tạo, và xuống cấp trong các trường hiện tại. Theo một nghiên cứu về kĩ năng tiếng Việt trong các sinh viên khoa ngữ văn năm 1997-1998 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 752 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư (những cử nhân văn chương tương lai), chỉ có 45% đạt yêu cầu về chính tả và 26% đạt yêu cầu về cú pháp. Trong một cuộc hội thảo với chủ đề "Toán, lý, hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" vào ngày 28/4/2000, một đại biểu của Hội Toán học Việt Nam đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp trong nước như sau: "Có thể nói không quá đáng rằng, trình độ đại học hiện nay chỉ bằng đại học đại cương (hai năm đầu của đại học nước ngoài), cao học bằng đại học, và phó tiến sĩ chỉ bằng cao học".

Thành ra, hậu quả là sinh viên ra trường chưa đảm nhận được công việc mà đáng lẽ những người được đào tạo như thế phải làm được. Một viên chức người Việt thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nhận xét: "Hệ thống GD-ĐT [giáo dục và đào tạo] lâu nay của Việt Nam còn bất cập. Tỉ lệ người được đào tạo ra đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất ít. Mọi việc cứ diễn ra một cách bình thường. Chỉ khi nào những tiêu chuẩn quốc tế được "soi" vào, chúng ta mới giật mình. Thực tế là khi soi vào tiêu chuẩn của UNDP, hàng loạt cán bộ chuyên viên của Việt Nam đã không đáp ứng được điều kiện cần và đủ". Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở trong nước, hàng năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Trong số này, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Ngay cả những sinh viên đã tìm được việc làm, họ đều phải được huấn luyện lại, nhất là ở các công ti ngoại quốc. Theo nghiên cứu của bà Maureen Chao thuộc Trường Đại học Seattle (Mĩ), trong nhiều công ti liên doanh với Việt Nam, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp!

Những vấn đề trên chẳng phải là mới, vì thực ra đã có vài nhà giáo dục tâm huyết ở trong nước cũng đã lát đát lên tiếng khuyến cáo, đòi cải cách giáo dục hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp trong vài năm qua. Điều đáng lo ngại là dù có khuyến cáo như thế, vẫn có người tuyên bố đại khái là nền giáo dục Việt Nam đã được quản lí tốt, và chế độ thi cử như hiện nay là "ưu việt rồi"! Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đã và đang trở thành một đề tài thời sự. Thủ tướng Phan Văn Khải và cũng kiêm chức Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục từng tuyên bố: “Cần khẳng định chiến lược giáo dục đào tạo 10 năm tới là chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.”

Trong những bối cảnh và điều kiện này, sự kiện Trường Đại học RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology) khai trương cơ sở đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh là một dấu hiệu tích cực cho giáo dục đại học trong nước. Trong tương lai một số trường khác cũng sẽ theo chân RMIT để thiết lập cơ sở đào tạo ở Việt Nam. Và trong chiều hướng đó, hoạt động và tổ chức của RMIT có thể là một mô hình hữu ích cho các trường đại học nước ngoài đang chuẩn bị tham gia vào thị trường giáo dục đại học ở Việt Nam.

Trong thực tế, so với con số vài trăm ngàn học sinh mong muốn vào đại học thì số lượng mà trường RMIT và các cơ sở đào tạo ngoại quốc sẽ giải quyết được (vài ngàn, hay vài mươi ngàn) chỉ là một con số rất khiêm tốn. Nhưng tác động quan trọng hơn mà những trường như RMIT có thể đem lại cho Việt Nam là nó có thể cung cấp một động cơ cải cách giáo dục đại học ở trong nước và qua đó nâng cao chất lượng giáo dục. Phương pháp giảng dạy và đào tạo của các trường như RMIT cũng có thể là một kinh nghiệm thực tế mà các trường đại học Việt Nam cần rút kinh nghiệm để tự mình hiện đại hóa và nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như về lâu về dài, có đủ khả năng để cạnh tranh với các đại học trên thế giới.

Phát triển giáo dục đại học đã trở thành một quốc sách của Việt Nam trong thời kì đổi mới, và đó là một chính sách đáng được ủng hộ, khuyến khích. Trong thời đại kinh tế tri thức và trong môi trường cạnh tranh có tính toàn cầu, Việt Nam cần phải phát huy tiềm năng của trí tuệ của dân chúng, cần phải huy động nguồn nội lực trí tuệ để tránh khỏi bị lệ thuộc vào trí tuệ của người khác, hay tránh bị rơi vào tình trạng tụt hậu, nô lệ tri thức. Kinh nghiệm phát triển ở các nước trong vùng như Nam Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba, Thái Lan, và Mã Lai cho thấy cái mẫu số chung là họ đã chú trọng vào giáo dục và đào tạo.

Tuy số lượng sinh viên Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua (tỷ lệ sinh viên đã tăng từ 20/10.000 dân số vào năm 1988 lên đến 117/10.000 dân số vào năm 1999), nhưng tỉ lệ này không phải là cao so với các nước đang phát triển trong vùng. Sự có mặt của các trường ngoại quốc ở Việt Nam là một dấu hiệu đáng mừng, và góp phần nâng cao tỉ số sinh viên, cũng như tạo điều kiện và cơ hội cho thanh niên Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét