Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Science in Vietnam


Sáng nay, dọn phòng và phải tiêu hủy một số dữ liệu, phim ảnh, v.v. thì phát hiện lá thư này, lá thư mà tôi viết và đăng trên Science từ năm 1998. Một chút bồi hồi. Mười lăm năm rồi, còn gì. “Mười năm không gặp, tưởng tình đã cũ”. Mười lăm năm rồi, tình hình hoạt động khoa học ở VN cũng đã khác đi nhiều, tốt có, không tốt cũng có.

Mỗi một bài báo và lá thư đều có một câu chuyện, và câu chuyện đằng sau lá thư này xuất phát từ một tự ái. Dạo đó (tôi đã đi Mĩ), Science có đi một loạt bài viết về tình hình hoạt động khoa học ở khối ASEAN, họ dành rất nhiều bài ca ngợi sự thành công của Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân, v.v. Nhưng điều đáng chú ý là Science không có một chữ nào cho Việt Nam. Thật ra, ngay cả hai chữ “Việt Nam” cũng không có trong loạt bài đó! Họ làm như Việt Nam không tồn tại ở Đông Nam Á. Tôi thử kiểm tra thì thấy lúc đó, VN cũng có công bố quốc tế, dù số công trình chỉ độ 200, còn rất khiêm tốn so với các nước trong vùng (như Thái Lan khoảng 1000 bài). Thế là tôi đã có “chất liệu” để viết một bài phàn nàn cho Science.

Tôi viết một bài ngắn, khoảng 1 trang A4 về với vài dữ liệu chung về khoa học Việt Nam. Có trình bày vài trường hợp tiêu biểu. Một tuần sau, Don Kennedy (lúc đó là tổng biên tập của Science) viết email lại với lời lẽ thân thiện đến bất ngờ! Thay vì “Dear Dr. Nguyen” như cách xưng hô xã giao của các tập san, ông ấy viết “Dear Tuan”, đọc là … mát dạ liền . Trong thư chính thức thì ông nói rằng Ban biên tập đã đọc lá thư và đồng ý đăng với điều kiện tôi phải giảm xuống 250
chữ hay ít hơn (tức là format của một “Letter to the Editor”).  Lá thư đó cuối cùng viết như sau:

“I read with interest the recent informative coverage of ‘Science in Southeast Asia’ (Special News Report 6 Mar. p 1465). However, I wish that Vietnam had been part of the survey/ While Vietnam is poor compared with other Southeast Asian countries, it has great potential. After years of war and isolation, Vietnam is only gradually becoming reitergrated into the world, but Vietnamese scientists have been making their presence known internationally for years. Despite enormous difficulties, including severe constraints in funding and inadequate infrastructure for research, Vietnamese universities have managed to produce fine mathematicians, physicists, medical researchers, agricultural experts, and engineers, many of whom are highly respected in their fields. The newly created Vietnam National University is expected to play a critical role in the future development of Vietnamese science.

Vietnamese scientists currently working in indudstrialized countries, particularly North America and Europe, have made important contributions in computer science, mathematics, aerospace engineering, chemistry, and medical research. They have also participated in space exploration in the astronaut program.

The Vietnamese have a tremendous love of higher education and a tremendous passion for learning. However, they have received sporadic assistance from the industrialized world. In view of Vietnam’s current reentry into the international community, it is now perhaps time for Vietnamese science to be given due attention.

Tuan V. Nguyen
Bone and Mineral Research Program
Garvan Institute of Medical Research
Darlinghurst, Sydney, New South Wales 2010 Australia”

Lá thư có ba đoạn văn, và cũng là 3 ý. Ý thứ nhất là phàn nàn rằng Science đã quên Việt Nam, và nói chung về tình hình khoa học ở bên nhà. Có một chút “biện minh” về tình trạng chiến tranh và bị cô lập sau chiến tranh. Đoạn 2 viết về đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Lúc đó, tôi đã có số liệu (chỉ trong ngành y) nếu tính tất cả công trình có tên người Việt ở nước ngoài, thì Việt Nam đã vượt qua Singapore và bỏ xả các nước làng nhàng khác. Đoạn này tôi có nói đến việc một nhà khoa học gốc Việt là phi hành gia (Eugene Trinh) nhưng không nhắc tên. Tôi không nhắc đến ông Phạm Tuân vì nghĩ chuyến đó hình như là “hữu nghị” chứ không phải khoa học thật sự. Đoạn 3 là nói rằng người Việt ham học, nhưng các nước giàu có không hỗ trợ. Đoạn này là đoạn “ăn tiền” nên phải để gần cuối .

Khi lá thư được đăng, tôi nhận gần 10 thư riêng từ nhiều người trên thế giới mà tôi không quen biết. Tất cả bạn đọc đều ủng hộ những ý trong lá thư. Có một lá thư của một bác sĩ quân y Mĩ viết rằng ông cũng rất ngạc nhiên tại sao Science lại bỏ quên Việt Nam, rồi ông khen ngợi các bác sĩ trong quân y Việt Nam tài giỏi như thế nào. (Dĩ nhiên là chỉ bác sĩ thời trước 1975 thôi.) Ông còn nhắc đến tên Giáo sư Nghiêm Đại Đạo nữa!


Bây giờ sau 15 năm, tình hình khoa học VN có gì mới không? Nếu chỉ dựa vào tình hình công bố quốc tế thì tôi phải nói là VN vẫn còn thua kém các nước khác. Chúng ta thử lấy Mã Lai làm ví dụ. Năm 1998, số bài báo khoa học của Mã Lai là 742 bài, cao hơn VN 3.2 lần. Đến năm 2012, số bài báo khoa học của Mã Lai cao hơn VN 4.6 lần (8152 / 1762). Nói cách khác, khoảng cách giữa Mã Lai và VN càng ngày càng xa. Nên nhớ rằng Mã Lai chỉ có 29 triệu, chỉ bằng 1/3 của Việt Nam (~90 triệu). Bộ KHCN đề ra chỉ tiêu tăng số bài báo khoa học 15% mỗi năm cho đến 2020. Nhưng tôi e rằng với tỉ lệ này thì VN sẽ mãi mãi theo sau các nước trong vùng, bởi vì các nước trong vùng hiện đang có tỉ lệ tăng trưởng 20% mỗi năm. Nhìn vào hệ thống tài trợ cho khoa học và bộ máy khoa học cồng kềnh, thú thật, tôi không mấy tự tin cho viễn cảnh khoa học của VN trong tương lai. Tôi chỉ biết hi vọng rằng mình sai.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét